top of page
Ảnh của tác giảNam Thành

Hệ tiêu hóa hoạt động như thế nào?

Hệ tiêu hóa của con người được xem là kỳ quan của vũ trụ bởi tầm quan trọng vô giá của nó. Nhờ hệ tiêu hóa mà thức ăn vào cơ thể được chuyển hóa thành chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng con người. Đồng thời, đây cũng được coi là bộ não thứ 2 của con người bởi nó chính là nơi chứa 70% hệ thống miễn dịch toàn cơ thể. Vậy hệ tiêu hóa là gì, nó hoạt động như thế nào?

I- Hệ tiêu hóa là gì? Hệ tiêu hóa là hệ thống các cơ quan tiếp nhận và phân hủy cấu trúc chất dinh dưỡng ở dạng thô và chuyển hóa thành dạng chất đơn giản, có thể hấp thu qua thành ống tiêu hóa vào máu để nuôi dưỡng cơ thể. Đồng thời, hệ tiêu hóa cũng có chức năng đào thải các chất cặn bã ra ngoài. Quá trình tiêu hóa diễn ra trong đường tiêu hóa hoặc ống tiêu hóa, trải dài từ miệng đến hậu môn. Các bộ phận của hệ tiêu hóa có chức năng chuyên biệt. Tuy nhiên, chúng đều được cấu tạo bằng những lớp mô cơ bản. Thành của ống từ trong ra ngoài bao gồm: niêm mạc, dưới niêm mạc, lớp cơ và lớp thanh mạc. Ban đầu, thức ăn được nạp vào đường tiêu hóa. Sau đó, thức ăn trải qua quá trình phân hủy từ những phân tử lớn thành phân tử nhỏ hơn. Tuy nhiên, những phân tử dinh dưỡng nhỏ sẽ rời khỏi hệ tiêu hóa và đi vào cơ thể ngay trước khi chúng có thể được sử dụng. Điều này được hoàn thành nhờ quá trình hấp thu. Trong quá trình này, các chất dinh dưỡng được thấm qua niêm mạc của ruột non để vào máu.

II- Hệ tiêu hóa gồm các bộ phận nào? Bộ máy tiêu hóa của con người được chia làm 2 phần: Ống tiêu hóa: Miệng – Thực quản – Dạ dày – Ruột non – Ruột già (Sắp xếp từ trên xuống dưới). Tuyến tiêu hóa: Tuyến nước bọt, tuyến tụy và tuyến gan. Hệ tiêu hóa được thiết kế độc nhất vô nhị giúp tiêu hóa thức ăn thành chất dinh dưỡng. Cụ thể quá trình tiêu hóa diễn ra như sau:

1. Miệng Miệng được xem là cửa ngõ của hệ tiêu hóa với nhiệm vụ tiêu hóa cơ học chủ yếu. Quá trình tiêu hóa được bắt đầu ngay khi bạn ăn thực phẩm vào miệng. Tại miệng, răng sẽ nhai giúp nghiền nhỏ thức ăn để tiêu hóa dễ hơn. Trong giai đoạn này, tuyến nước bọt sẽ hoạt động, tiết ra để trộn với thức ăn để bắt đầu phân hủy tinh bột thành các chất đường đơn. Còn các thức ăn mềm, trơn được đẩy xuống họng và thực quản.

2. Họng (hầu) Đây là ngã ba giao giữa đường hô hấp và hệ tiêu hóa. Họng là ống cơ có chiều dài khoảng 15cm. Từ miệng, thực phẩm đi xuống họng và tiếp tục di chuyển xuống thực quản.

3. Thực quản Đây là một ống cơ kéo từ họng đến dạ dày. Thực quản không có tác dụng phân giải, hấp thu chất dinh dưỡng mà tác dụng duy nhất của nó là đưa thức ăn xuống dạ dày bằng các cơn co thắt hay còn gọi là nhu động Các tuyến ở thực quản sẽ tiết ra chất nhầy làm ẩm đường dẫn thức ăn để đi xuống dạ dày dễ dàng hơn. Giữa thực quản và dạ dày là cơ vòng thực quản dưới (lower esophageal sphincter). Nó được xen như một cái “van” có nhiệm vụ giữ thức ăn ở trong dạ dày và không bị trào ngược lên thực quản.

4. Dạ dày Dạ dày là cơ quan thuộc hệ tiêu hóa có cấu tạo như một cái túi để lưu giữ thức ăn. Do vậy, nó là phần phình lớn nhất của ống tiêu hóa, có vị trí ở vùng thượng vị trái (bụng trên chếch bên trái).

Xét về hình thể bên ngoài, dạ dày có 5 phần gồm:

  1. Tâm vị: Rộng từ 3 – 4 cm2, nằm gần thực quản có lỗ tâm vị. Lỗ tâm vị không có van đóng kín mà chỉ có nếp niêm mạch, thông giữa thực quản và dạ dày.

  2. Đáy vị: Là phần phình to nhất, ở bên trái lỗ tâm vị, có hình chỏm cầu, ngăn cách với thực quản bởi khuyết tâm vị. Khuyết tâm vị thường chứa không khí, dễ nhìn thấy khi chụp phim Xquang.

  3. Thân vị: Có hình ống với 2 thành và 2 bờ, giới hạn trên là mặt phẳng ngang qua lỗ tâm vị, giới hạn dưới là mặt phẳng xuyên qua khuyết góc của bờ cong vị nhỏ.

  4. Phần môn vị: Gồm hang môn vị và ống môn vị. Trong đó, hang môn vị hình phễu, tiết ra Gastrin, ống môn vị có các cơ rất phát triển.

  5. Môn vị: Nằm bên phải đốt thắt lưng 1, có lỗ môn vị thông với tá tràng, lỗ môn vị có một cơ thắt, thường gây bệnh co thắt môn vị phì đại ở trẻ sơ sinh. Các cơ trong dạ dày rất khỏe. Khi đến đây, thức ăn sẽ được trộn lẫn cùng axit chlohydrit, enzyme do niêm mạc dạ dày tiết ra để thủy phân protein, lipid, glucid…, những chất có cấu trúc cồng kềnh chưa được tiêu hóa. Dạ dày đóng vai trò tiêu hóa cơ năng thông qua nhu động trộn thức ăn. Lúc rời khỏi dạ dày, toàn bộ thức ăn đã được biến thành bột nhão hoặc chất lỏng và di chuyển tới ruột non. Ở giai đoạn này, mỡ vẫn chưa được tiêu hóa.

5. Ruột non Ruột non là phần nối giữa dạ dày và đại tràng. Ruột non có độ dài khoảng 6m, đường kính khoảng 3cm. Đây là đoạn quan trọng nhất trong quá trình tiêu hóa thức ăn.

Ruột non gồm có:

  1. Tá tràng: là đoạn cố định nằm sâu phía sau, bao quanh và dính vào đầu tụy, ống dẫn tụy và ống mật đổ vào đoạn II tá tràng.

  2. Tiếp nối là hỗng trànghồi tràng xếp thành nhiều quai ruột gần như song song với nhau. Nhu động ruột đóng vai trò quan trọng ở ruột non: giúp di chuyển thức ăn chạy dọc suốt chiều dài của ruột non và trộn thức ăn với các dịch tiêu hóa. Tá tràng chủ yếu chịu trách nhiệm cho việc tiếp tục quá trình phân hủy thức ăn; hỗng tràng và hồi tràng chịu trách nhiệm chính cho việc hấp thụ các chất dinh dưỡng đi vào máu. Khi đến ruột non, thực phẩm tiếp tục được phá vỡ bằng các enzyme (được tiết ra bởi tuyến tụy và mật từ gan). Dịch mật được bài tiết trong tế bào gan, sau đó dẫn vào đường mật, đổ vào đoạn II tá tràng và tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn, đặc biệt là tiêu hóa chất béo. Đồng thời, dịch mật cũng giúp loại bỏ các sản phẩm được đào thải từ máu. * Ba cơ quan đóng vai trò then chốt trong việc giúp dạ dày và ruột non tiêu hóa thức ăn gồm: - Tuyến tụy: Trong quá trình tiêu hóa thức ăn, tuyến tụy tiết ra một số enzyme vào ruột non để phân hủy protein, chất béo và carbohydrate có trong thức ăn. - Gan: Trong quá trình tiêu hóa, gan có 2 chức năng chính là tiết dịch mật và lọc máu có các chất dinh dưỡng vừa được hấp thụ đến từ ruột non. - Túi mật: Dịch mật được tạo ra ở gan và sau đó nếu cần phải lưu trữ thì dịch mật sẽ được di chuyển đến túi mật thông qua ống mật. Trong bữa ăn, túi mật co bóp để đẩy dịch mật xuống ruột non.

6. Đại tràng (ruột già) Đại tràng là một ống cơ dài từ 1,5 đến 1,8 mét nối giữa với manh tràng (phần đầu tiên của ruột già) với trực tràng (phần cuối của ruột già). Đi theo thứ tự từ trên xuống dưới, khung đại tràng bao gồm manh tràng, đại tràng phải, đại tràng ngang, đại tràng xuống và đại tràng sigma. Nhiệm vụ của ruột già là nơi tiêu hóa phân hoặc chất thải còn sót lại trong quá trình tiêu hóa trước đó. Phân được đưa xuống đại tràng bằng nhu động ruột, đầu tiên ở trạng thái lỏng và cuối cùng ở dạng rắn khi nước được lấy ra khỏi phân. Thông thường, thời gian để phân đi qua đại tràng là khoảng 36 giờ.

7. Trực tràng Trực tràng là đoạn nối giữa đại tràng với hậu môn. Nhiệm vụ của trực tràng là nhận phân từ đại tràng và kích thích các dây thần kinh truyền đến vỏ đại não, cho bạn biết cảm giác muốn đi đại tiện. Sau đó, bộ não sẽ quyết định có nên đi đại tiện hay không. Nếu muốn đi vệ sinh, cơ vòng sẽ giãn ra để đưa phân ra khỏi cơ thể. Còn nếu chưa muốn, cơ thắt và trực tràng sẽ điều chỉnh lại để cảm giác muốn đi vệ sinh tạm thời biến mất.

8. Hậu môn Hậu môn là cơ quan cuối cùng của đường tiêu hóa. Hậu môn được cấu tạo từ các cơ sàn chậu và hai cơ thắt hậu môn (cơ bên trong và bên ngoài). Chức năng chính của hậu môn là đựng và đào thải phân, đồng thời tiết dịch nhầy để bôi trơn giúp phân dễ dàng di chuyển ra khỏi cơ thể và hấp thu nước.

III- Vai trò của hệ tiêu hóa

1. Tiêu hóa thức ăn, hấp thụ dinh dưỡng Đúng như tên gọi, hệ tiêu hóa có chức năng đầu tiên, quan trọng nhất là tiêu hóa thực phẩm và hấp thụ chất dinh dưỡng từ thực phẩm vào cơ thể. Quá trình này thường tiêu tốn một khoảng thời gian vì thực phẩm sẽ lần lượt đi qua nhiều cơ quan trong hệ tiêu hóa.

2. Miễn dịch Các nghiên cứu khoa học cho thấy hệ tiêu hóa quyết định tới 70% khả năng miễn dịch của con người. Thực tế, có tới 95% vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa. Còn 5% xâm nhập qua đường hô hấp và hậu môn. Nếu hệ miễn dịch được xem là lá chắn giúp đẩy lùi mầm bệnh thì hệ tiêu hóa chính là “hậu phương” giúp lá chắn ấy hoàn thiện khả năng hoạt động. Trên thành ruột có vô số hạch bạch huyết (còn gọi là mảng payer). Các mảng payer này được xem là trung tâm huấn luyện để khoảng 80% tế bào miễn dịch toàn cơ thể học cách ngăn chặn và tiêu diệt mầm bệnh. Hệ miễn dịch đường ruột khỏe sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cho mỗi người.

3. Thải độc Ít ai biết rằng lớp niêm mạc đường ruột có khoảng 30 triệu nhung mao. Dưới lớp nhung mao này là các vi nhung mao. Với khoảng từ 40 – 50 mét vuông bề mặt, nhung mao cùng với các vi khuẩn đường ruột tạo thành lớp màng lọc. Lớp màng này chỉ cho các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất đi qua và cản những vi khuẩn có hại, chất độc lại để thải ra ngoài cơ thể.

4. Phát triển não bộ Hệ tiêu hóa sản xuất hormone serotonin - một chất hóa học tự nhiên trong cơ thể đóng vai trò như một hormone dẫn truyền thần kinh có chức năng điều chỉnh nhận thức, chi phối các hoạt động tâm thần, xử lý căng thẳng và quyết định chất lượng giấc ngủ. Có đến 95% hormone serotonin của não do hệ tiêu hóa sản xuất. Não bộ được cung cấp đủ lượng serotonin sẽ tăng tốc độ kết nối các tế bào thần kinh để tiếp nhận và xử lý thông tin. Đây cũng là cơ sở để trẻ nhỏ phát triển và hoàn thiện trí não. Ngược lại, sự thiếu hụt serotonin có thể khiến não bộ của trẻ gặp phải các vấn đề nghiêm trọng về khả năng suy nghĩ và xử lý thông tin.

IV -  Làm sao bảo vệ và duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh?

Hệ tiêu hóa gặp vấn đề khiến bạn luôn cảm thấy khó chịu. Các dấu hiệu cho thấy hệ tiêu hóa của bạn đang gặp vấn đề thường là đầy hơi, trướng bụng, ợ nóng, ợ chua, ợ hơi, buồn nôn, đắng miệng, táo bón, tiêu chảy… Tùy từng nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa mà người bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau.

Xem thêm: Thực đơn dinh dưỡng hàng ngày cho người bị trào ngược dạ dày Để duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, các chuyên gia y tế đưa ra một số lời khuyên sau đây:
  1. Uống đủ nước (1,5-2 lít nước mỗi ngày)

  2. Ăn chậm, tập trung khi ăn.

  3. Hạn chế ăn đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn

  4. Bổ sung chất dinh dưỡng hỗ trợ đường tiêu hóa như sữa chua, kẽm, chất xơ, axit béo omega 3…

  5. Dáng đi thẳng đứng, tập thể dục thường xuyên giúp thức ăn đi chuyển qua hệ tiêu hóa tốt hơn.

  6. Không uống rượu bia, không hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc thường xuyên.

  7. Tránh ăn khuya, không nằm ngay sau khi ăn no.

  8. Tránh căng thẳng thần kinh. Có thể áp dụng một số biện pháp giúp thư giãn tinh thần như thiền, tập yoga…

Sinh hoạt khoa học giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Trên đây là những thông tin cơ bản giúp bạn hiểu rõ hệ tiêu hóa là gì và nó có chức năng như thế nào? Một hệ tiêu hóa khỏe mạnh là nền tảng cơ bản giúp bạn bảo vệ sức khỏe của mình và giữ cho tinh thần vui vẻ, thoải mái. Nếu gặp bất kỳ rắc rối nào, bạn cần theo dõi kỹ lưỡng, tìm ra nguyên nhân và điều trị theo lời khuyên của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt.

42 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page